Ung thư tuyến tiền liệt - nỗi lo cho nam giới.

Với tỷ lệ tử vong cao, ung thư tuyến tiền liệt (TTL) là bệnh ác tính thường gặp ở nam giới, độ nguy hiểm chỉ xếp thứ hai sau ung thư phổi.                    

Trước đây, người ta nghĩ rằng đây là căn bệnh của những nước Âu Mỹ vì tỷ lệ bệnh tại các nước này cao hơn rõ rệt so với các nước Á Phi, thậm chí các nước trong khối ASEAN có nền kinh tế phát triển hơn Việt Nam cũng có tỷ lệ ung thư TTL cao hơn. Theo số liệu từ Hội nghị ung thư Việt Nam vừa qua, căn bệnh này tuy chưa để lại dấu ấn đáng kể trong bản đồ phân bố nhưng vẫn được xếp vào nhóm ung thư có nguy cơ ngày một tăng, trở thành nỗi lo của nam giới.

Ung thư tuyến tiền liệt - nỗi lo cho nam giới (phòng khám nam khoa tphcm)

Nguy cơ khó đoán
Ung thư TTL là được xem là căn bệnh “khó đoán”, bởi các nguy cơ không rõ ràng. Tỷ lệ ung thư này có thể bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố như: da trắng dễ mắc bệnh hơn, ăn nhiều thịt dễ mắc bệnh hơn hoặc ăn nhiều đậu nành ít mắc bệnh hơn. Ở giai đoạn sớm, bệnh thường im lìm. Các triệu chứng chỉ xuất hiện khi có sự xâm lấn của bướu vào các mô xung quanh, dẫn đến tiểu khó, dòng nước tiểu yếu, tiểu cách quãng, tiểu nhiều lần, tiểu đêm, tiểu gấp, suy thận, mệt mỏi, ói mửa, tiểu ít, phù... Khi bướu di căn xa thì thường lan tràn đến xương, gây đau nhức và gãy xương.

Để chẩn đoán ung thư TTL, người ta dựa vào những xét nghiệm đầu tiên từ việc khám trực tràng và đo PSA/máu. Tiếp đến là siêu âm qua trực tràng và sinh thiết để định bệnh kỹ lưỡng và giúp quan sát rõ TTL để chọn vị trí chính xác những vùng có nghi ngờ. Ngoài ra, còn có các phương tiện chẩn đoán hình ảnh khác như CT scan và MRI (giúp đánh giá di căn hạch) và xạ hình xương (giúp đánh giá di căn xương, đồng thời giúp chẩn đoán mức độ bế tắc của đường tiểu trên cho người bệnh).

 
Phát hiện bệnh sớm - điều trị dễ lành
Việc điều trị ung thư TTL tùy theo giai đoạn lâm sàng mà cách điều trị sẽ khác nhau. Khi bệnh còn ở giai đoạn khu trú, bệnh nhân có thể phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt tận gốc (bằng cách mổ hở, mổ nội soi) hoặc xạ trị ngoài với tỉ lệ khỏi bệnh là 85%. Tuy nhiên, các phương pháp này vẫn có một số di chứng phẫu thuật như tiểu không kiểm soát, rối loạn cương, và mất máu trong khi mổ… hoặc biến chứng xạ trị như viêm trực tràng, viêm bàng quang xuất huyết, rối loạn cương, hẹp niệu đạo… Trong khi đó, xạ trị trong đang ngày càng phổ biến hơn do tỉ lệ biến chứng thấp và tỉ lệ khỏi bệnh tương đương phẫu thuật.

Khi ung thư đã ở giai đoạn xâm lấn hoặc có di căn, nhiều nghiên cứu cho thấy nếu kết hợp với điều trị nội tiết với xạ trị sẽ cho kết quả khả quan hơn. Có nhiều phương pháp điều trị nội tiết như:

- Cắt bỏ 2 tinh hoàn: là phương pháp rẻ tiền, ít biến chứng, hiệu quả nhưng có thể gây tổn thương tâm lý cho người bệnh.
- Hoạn bằng thuốc: phương pháp này được nhiều bệnh nhân ngày nay chấp nhận hơn, kết quả tương đương phẫu thuật cắt 2 tinh hoàn nhưng giá thành cao hơn.

- Thuốc ức chế androgen: thường dùng kết hợp cùng một trong hai phương pháp trên khi ung thư vào giai đoạn trễ, ung thư tái phát hoặc đơn trị liệu không hiệu quả.

- Trong trường hợp thất bại với thuốc ức chế androgen: hóa trị là biện pháp điều trị được chọn lựa nhưng tiên lượng rất xấu bởi thời gian sống còn của bệnh nhân chỉ còn 12-24 tháng.

Gần đây, trên thế giới đã có một số thuốc mới được phê duyệt để điều trị trong giai đoạn trước hóa trị này nhằm kéo dài thời gian sống còn, cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, tránh những tác dụng phụ xảy do dùng liệu pháp hóa trị.Sự ra đời của các thuốc mới mang đến hy vọng mới cho nhiều bệnh nhân ung thư TTL trên thế giới cũng như tại Việt nam.  
PGS. TS. BS. Vũ lê Chuyên
Chủ tịch Hội Tiết niệu - Thận học Việt Nam
Theo Khám Phá

>>> Tìm hiểu thêm về Tuyến Tiền Liệt <<<


EmoticonEmoticon